Điểm tin kinh tế, tài chính, thương mại ngày 17/5/2013

Nhu cầu vàng của Việt Nam giảm 17% trong quý I

Hội đồng vàng thế giới (WGC) vừa ra báo cáo về nhu cầu vàng thế giới trong quý I/2013. Theo báo cáo này, trong quý I, nhu cầu vàng thế giới giảm 13% xuống nhất 9 năm còn 963 tấn trong quý I, từ 1.107,5 tấn cùng kỳ năm ngoái. Tổng nhu cầu đầu tư giảm 49% xuống còn 200,8 tấn, chủ yếu do các quỹ tín thác bán tháo gần 177 tấn vàng. Xét về giá trị, nhu cầu vàng thế giới giảm 50,5 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo của WCG chỉ ra, trong quý I, tổng đầu tư vàng thỏi và vàng xu của Việt Nam là 14,2 tấn, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2012 là 17,4 tấn. Trong khi đó, nhu cầu với vàng trang sức là 4,4 tấn, giảm 12% so với quý I/2012. Nhu cầu vàng thỏi và trang sức nói chung đạt 18,6 tấn, giảm 17% so với mức 22,4 tấn cùng kỳ năm ngoái.
 
Xét về giá trị, đầu tư vàng thỏi và vàng xu quý I/2013 của Việt Nam đạt 745 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2012, giá trị mua vàng trang sức cũng giảm còn 229 triệu USD, từ 269 triệu USD năm ngoái. Tính chung, giá trị đầu tư vàng quý I của Việt Nam đạt 974 triệu USD, giảm 20% so với năm ngoái.

Trong vòng 12 tháng kết thúc vào cuối quý I/2013, nhu cầu vàng trang sức của Việt Nam là 10,8 tấn, tương ứng giảm 13% so với 12 tháng kết thúc vào cuối quý I/2012. Trong khi đó, nhu cầu vàng thỏi, vàng xu đạt 62,2 tấn, giảm 32%.

So với khu vực, trong khi các thị trường như Ấn Độ, Trung Quốc , Hong Kong, Đài Loan tăng nhu cầu đầu tư vàng trang sức và vàng thỏi, vàng xu, thì nhu cầu tại Việt Nam giảm với lý do được cho là thu nhập khả dụng của người dân giảm và sự kiểm soát của Chính phủ đối với thị trường vàng.

Hai vùng động lực thu hút hơn 80% dự án FDI 

Hai vùng kinh tế động lực phía Bắc và phía Nam, với Hà Nội và TP.HCM là 2 trung tâm, đã thu hút 377 dự án có tổng vốn đăng ký 2 tỷ USD, chiếm trên 80% số dự án và hơn 25% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay (kể cả tăng vốn).

Cả 11 tỉnh, thành phố thuộc 2 vùng này đều có dự án mới. Trong đó, dẫn đầu về vốn là Bình Dương đạt 573 triệu USD, dẫn đầu về số dự án là TP.HCM với 131 dự án, nhưng đặc biệt, dẫn đầu về quy mô dự án lại là Vĩnh Phúc với 257 triệu USD của 3 dự án mới cấp phép.

Như vậy, trừ Vĩnh Phúc, hầu hết những dự án đầu tư vào 2 vùng kinh tế động lực phía Bắc và phía Nam trong hơn 4 tháng gần đây đều thuộc loại vừa và nhỏ, bình quân đạt khoảng 5,4 triệu USD/dự án. Dự án vừa và nhỏ có lợi thế là nhanh chóng đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả, sớm mang lại lợi ích cho nhà đầu tư và kinh tế - xã hội từng địa phương. Đó cũng là biểu hiện nỗ lực vươn lên của các nhà đầu tư trong bối cảnh kinh tế suy giảm.

Từ 1/7, thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng mới nộp thuế thu nhập cá nhân

Theo Bộ Tài chính, các văn bản hướng dẫn Luật Thuế thu nhập cá nhân cũng đang được gấp rút hoàn thiện.

Theo tính toán của cơ quan thuế, đến thời điểm Luật mới có hiệu lực (1/7/2013), dự kiến hơn 2 triệu người đang nộp thuế thu nhập từ tiền lương tiền công, từ kinh doanh ở bậc 1, bậc 2 sẽ không thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân, người nộp thuế ở bậc 3, bậc 4 cũng giảm số thuế nộp đáng kể.
Việc giảm nghĩa vụ thuế cơ bản là do mức giảm trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế được nâng từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng và với mỗi người phụ thuộc là từ 1,6 triệu đồng tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng.

Xuất khẩu gạo đạt 2,226 triệu tấn
 
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, tính đến ngày 9/5, Việt Nam đã xuất khẩu 2,226 triệu tấn gạo, trị giá 1.014 triệu USD. Hiện giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 4.950-5.050 đ/kg, lúa dài khoảng 5.150-5.250 đ/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 6.600-6.700 đ/kg tùy từng địa phương. Gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.450-6.550 đ/kg tùy chất lượng và địa phương. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 7.550-7.650 đ/kg, gạo 15% tấm 7.300-7.400 đ/kg, gạo 15% tấm 7.300 – 7.400 đ/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.050-7.150 đ/kg tùy chất lượng và địa phương. 

Đưa mặt hàng quặng vào Danh mục  rủi ro hàng hóa XNK cấp Cục
 
Để đảm bảo thu đúng, thu đủ thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng XK có thuế, đặc biệt là mặt hàng quặng, Tổng cục Hải quan đã có công văn yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, điều chỉnh Danh mục rủi ro hàng XNK cấp Cục và mức giá keierm tra kèm theo. Theo đó, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố phải rà soát xây dựng, bổ sung, sửa đổi Danh mục rủi ro hàng XK và mức giá kiểm tra kèm theo đối với các mặt hàng quặng có làm thủ tục XK tại địa phương trên cơ sở thu thập các nguồn thông tin theo quy định. Bên cạnh đó, Tổng cục yêu cầu các đơn vị để sửa đổi, bổ sung Danh mục rủi ro hàng XK và mức giá kiểm tra kèm theo đối với mặt hầng quặng XK phù hợp với sự biến động giá cả thị trường và tình hình thực tế XK tại địa phương. 

Sắp cấp mã số thuế cho người phụ thuộc

Cơ quan thuế sẽ cấp mã số thuế cho người phụ thuộc nhằm tránh gian lận thuế trong quá trình kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân.

Thông tin này được Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Tổng cục thuế (Bộ Tài chính) đưa ra tại hội thảo Hướng tới thực thi hiệu quả Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) do Tạp chí Tài chính tổ chức sáng 16/5.

Theo ông Thông tư hướng dẫn Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế TNCN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật thuế TNCN ban hành tới đây sẽ quy định cấp mã số thuế cho người phụ thuộc từ 1/7 nhằm kiểm soát và tránh gian lận thuế. 

Hà Lan đầu tư gần 6 tỷ USD vào Việt Nam

Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Hà Lan luôn nằm trong số các nước đứng đầu Liên minh châu Âu (EU) về viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học - công nghệ, quy hoạch và quản lý nguồn nước, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, vệ sinh môi trường, nông nghiệp và nông thôn, hỗ trợ kỹ thuật phát triển tăng trưởng xanh và bền vững...

Đến nay, Hà Lan có 160 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt xấp xỉ 6 tỷ USD.
Hà Lan hiện là 1 trong 5 đối tác thương mại hàng đầu của TPHCM trong khối EU.

Ngoài ra, TPHCM cũng nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức và địa phương của Hà Lan trong quản lý môi trường nước, chống ngập, thích ứng và giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu.

Xuất khẩu cá tra có thêm thị trường mới

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt nam (VASEP), xuất khẩu cá tra Việt Nam trong quý I/2013 lại tiếp tục gặp khó khăn khi giá trị xuất khẩu chỉ đạt 388,4 triệu USD, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Những khó khăn của thị trường xuất khẩu truyền thống khiến các doanh nghiệp phải mở rộng thị trường sang các nước có nền kinh tế mới nổi với sức tiêu thụ và khả năng nhập khẩu cao. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn môi trường cũng ngày càng được các thị trường chú ý nhiều hơn. Ấn Độ là một trong những thị trường mới đầy tiềm năng hiện nay. 

Trong 3 năm gần đây xuất khẩu cá tra sang Ấn Độ tăng mạnh do cá tra được ưa chuộng tại các nhà hàng tại nước này. Nguyên nhân là do cá tra có nguồn cung lớn, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon nhưng giá cả chỉ bằng một nửa so với nhiều loài cá tại Ấn Độ. 

Châu Phi- miền đất hứa cho thủy sản VN

Tại hầu hết các quốc gia khu vực châu Phi, ngành nuôi trồng thuỷ sản, nhất là cá nước ngọt không phát triển do đó phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước. Trong khi đó, nguồn cung cá tra trong nước dồi dào với mức giá ổn định là điều kiện thuận lợi để các DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang khu vực này. Thực tế cho thấy, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng như cá basa, tra, tôm sang thị trường khu vực đã không ngừng tăng trong những năm qua. Cụ thể, năm 2012, Việt Nam đã xuất khẩu mặt hàng này sang 25 nước châu Phi với kim ngạch đạt gần 150 triệu USD, tăng 38% so với năm 2011. Chỉ tính riêng quý I/2013, giá trị xuất khẩu hàng thủy sản sang châu Phi đạt 30,3 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Người dân Châu Phi đang có xu hướng dùng hàng thủy sản thay thế cho thịt trong bữa ăn. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này, thậm chí có thể nghiên cứu phương án nuôi trồng thủy sản tại nước sở tại phục vụ nhu cầu địa phương và xuất khẩu sang các nước lân cận.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét