Chật vật xuất khẩu nông - thủy sản

Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu thống kê mới nhất về tình hình xuất nhập khẩu cả nước trong 4 tháng đầu năm. Theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 4 tháng đạt 79 tỉ USD, riêng xuất khẩu đạt 39,14 tỉ USD, tăng 16%; nhập khẩu 39,86 tỉ USD, tăng 17%. Cán cân thương mại cả nước đã chuyển từ thặng dư trong mấy tháng đầu năm sang thâm hụt với mức nhập siêu 723 triệu USD. 

Dù kim ngạch xuất khẩu cả nước vẫn tăng khá nhưng nhóm hàng nông - thủy sản đang có sự sụt giảm cả về giá, lượng. Cụ thể, hàng thủy sản hết tháng 4 đạt 1,73 tỉ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước; tại các thị trường chủ lực như Liên hiệp châu Âu, Nhật Bản, kim ngạch đều giảm mạnh. Lượng xuất khẩu cà phê 4 tháng là 588.000 tấn, trị giá 1,26 tỉ USD, giảm 16,3% về lượng và giảm 13,9% về giá trị so với cùng kỳ. Đây là mặt hàng nông sản giảm mạnh nhất trong tháng 4-2013 với mức giảm 203 triệu USD. Đối với gạo, dù lượng xuất khẩu cả nước tăng nhẹ nhưng do giá giảm mạnh trong tháng 4 nên kim ngạch giảm 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái… 

Đưa gạo xuống tàu xuất cảng ở Cần Thơ
Đưa gạo xuống tàu xuất cảng ở Cần Thơ
Theo bà Phan Thị Diệu Hà, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, do giá cả hàng hóa thế giới đang trong xu hướng giảm khiến nhóm hàng nông - thủy sản giảm khoảng 129 triệu USD. Từ nhiều năm qua, các mặt hàng nông sản chủ lực của nước ta luôn tăng về xuất khẩu nhưng giá lại theo chiều hướng ngược lại, trong khi mọi chi phí đầu vào đều tăng gây khó khăn cho người sản xuất, nông dân. 

PGS-TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, cho rằng nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do khâu sản xuất thiếu sự liên kết. Với một mặt hàng, mỗi nơi làm một kiểu làm cho thành phẩm không theo chuẩn thống nhất, chất lượng không đồng đều nên khó xây dựng thương hiệu. Trong khi đó, các cơ quan quản lý, hiệp hội chỉ mới “khuyến cáo, khuyến khích”, còn làm thế nào thì... tùy nông dân!

Thời gian tới, xuất khẩu sẽ còn nhiều thách thức khi giá một số mặt hàng chủ lực là gạo, thủy sản giảm mạnh. Ngoài những rào cản thương mại và yêu cầu chất lượng ngày càng khắt khe hơn từ các nước nhập khẩu, việc thiếu ổn định nguồn nguyên liệu cũng như chất lượng sản phẩm... sẽ khiến nông - thủy sản Việt Nam khó thoát được cảnh chật vật.

Nhiều nạn nhân bị lừa xuất khẩu lao động sang Bồ Đào Nha

Tính đến ngày 17/5, Hòa đã thu tổng số tiền của các bị hại lên tới 70 nghìn USD và 150 triệu đồng, điển hình là thu của anh Hoàng Nghĩa Hùng ở Nghệ An 32 nghìn USD.


Ngày 17/5, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Tĩnh cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Hòa (52 tuổi, ở Phả Lại, thị xã Chí Linh, Hải Dương), nguyên là Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Nhân lực quốc tế Việt tại Ninh Bình, có văn phòng đại diện tại số nhà 231 đường Trần Phú, TP Hà Tĩnh, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản (bằng hình thức nhận đưa người đi xuất khẩu lao động tại Bồ Đào Nha).

Theo tài liệu của cơ quan Công an, tháng 6/2011, Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Nhân lực quốc tế Việt ở Ninh Bình, mở văn phòng đại diện tại số nhà 231 đường Trần Phú, TP Hà Tĩnh, có chức năng tổ chức người lao động đi xuất khẩu lao động.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian hoạt động, ngày 9/3/2012, Công ty cổ phần Nhân lực quốc tế Việt đã có văn bản yêu cầu chi nhánh tại Ninh Bình ngừng hoạt động và bàn giao con dấu và các tài liệu, tài sản liên quan cho công ty.

Trong thời gian bị ngừng hoạt động, từ tháng 2 đến tháng 4/2012, lợi dụng có phiếu thu có sẵn dấu của công ty đã đóng trước đó, thông qua bà Phan Thị Diễm Hằng, ông Hòa đã nhận tiền và hồ sơ của 6 công dân ở xã Kỳ Giang và Kỳ Tiến (Kỳ Anh) để đi xuất khẩu lao động sang Bồ Đào Nha và một số nước khác.

Tính đến ngày 17/5, Hòa đã thu tổng số tiền của các bị hại lên tới 70 nghìn USD và 150 triệu đồng, điển hình là thu của anh Hoàng Nghĩa Hùng ở Nghệ An 32 nghìn USD. 

Hiện nay, Công an TP Hà Tĩnh đang mở rộng điều tra vụ án. Những ai là nạn nhân của đối tượng Nguyễn Văn Hòa cần sớm đến Công an TP Hà Tĩnh cung cấp thông tin, để xử lý đối tượng nghiêm minh trước pháp luật.

Thanh Hóa: Nhiều hộ thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động

Sau hơn 3 năm triển khai Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, tại tỉnh Thanh Hóa, nhiều gia đình có con em đi xuất khẩu lao động đã thực sự thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ biết đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. 
 
Triển khai Quyết định 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có trên 1.600 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài,  tập trung chủ yếu ở thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia, Lào, Trung Đông..

Bên cạnh đó, có 6.350 người đăng ký sơ tuyển, trên 3.900 người tham gia học nghề và bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi xuất khẩu lao động. 

Địa phương tạo điều kiện cho người đi xuất khẩu lao động được vay vốn kịp thời, với thủ tục nhanh chóng, đơn giản; tổ chức tư vấn cho người lao động nắm thông tin thị trường lao động, mở lớp học nghề ngắn hạn; mở lớp dạy tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc ngay tại địa phương, giúp người giảm bớt chi phí ăn ở, đi lại...

Tổng kinh phí thực hiện Đề án này từ ngân sách Trung ương là 1,1 tỷ đồng. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Theo đánh giá của ngành Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Thanh Hóa, đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động đã mang lại hiệu quả thiết thực. 

Xuất khẩu lao động tại các thị trường có uy tín còn mang lại một số lợi ích, như: sau khi hết thời hạn hợp đồng lao động, người lao động trở về nước với trình độ ngoại ngữ được nâng cao, chuyên môn tay nghề cũng như văn hóa cũng có những thay đổi tích cực, nên khi trở về làm việc trong nước, năng suất và hiệu quả lao động được nâng cao. Đặc biệt, số lao động sau khi từ các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản trở về đã học được tính kỷ luật trong lao động và tay nghề cao nên dễ dàng tìm được việc làm tại các công ty liên doanh vì họ rất ưa chuộng những lao động này. Ngoài ra, xuất khẩu lao động góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Nhiều gia đình có con em đi xuất khẩu lao động đã thực sự thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ biết sử dụng số tiền tích cóp được đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm mới, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, đặc biệt ở 7 huyện nghèo: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Bá Thước, Như Xuân, Thường Xuân.

Xuất khẩu của Singapore giảm nhẹ trong tháng Tư

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa phi dầu mỏ của Singapore trong tháng Tư vừa qua đã giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh ngành hàng điện tử xuất khẩu tiếp tục sụt giảm.

Mặc dù vậy, theo thống kê được Cục Phát triển Doanh nghiệp quốc tế (IES) thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore công bố hôm cuối tuần, mức giảm sút này nhẹ hơn so với mức giảm 4,8% hồi tháng Ba vừa qua.

Tuy nhiên, nếu tính theo từng tháng thì tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Singapore đang chậm dần. Giá trị xuất khẩu hàng hóa chỉ tăng 1,1% so với tháng Ba, và thấp hơn nhiều so với mức tăng 8% của tháng Ba so với tháng Hai.

Theo IES, kim ngạch xuất khẩu của Singapore sang châu Âu, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản và Indonesia trong tháng Tư đều thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, lượng hàng hóa xuất sang Hong Kong (Trung Quốc), Thái Lan, Mỹ, vùng lãnh thổ Đài Loan và Trung Quốc đại lục lại tăng lên.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu trong tháng Tư của Singapore tiếp tục sụt giảm, song theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, kim ngạch xuất khẩu của "quốc đảo Sư tử" là rất khó dự đoán bởi các ngành dược phẩm và dầu mỏ chiếm một một tỷ trọng đáng kể trong xuất khẩu lại có thể thay đổi đột ngột giá trị theo từng tháng./.

Xuất khẩu điều hợp tác với tập đoàn bán lẻ Mỹ

Hơn 10 doanh nghiệp xuất khẩu điều Việt Nam đã thỏa thuận hợp tác, cung cấp sản phẩm chế biến từ hạt điều để phân phối tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích của Tập đoàn bán lẻ Kroger ở Mỹ.

Thông tin này do ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, cung cấp sau buổi làm việc với đại diện của Kroger ngày 14-5.

Theo ông Thanh, Kroger là tập đoàn bán lẻ lớn thứ hai tại Mỹ với doanh số bán hàng hằng năm ước gần 100 tỉ USD. Tập đoàn này đang sở hữu 2.400 siêu thị, 800 cửa hàng bán lẻ tiện lợi đặt tại 31 bang trên khắp nước Mỹ.

Về phía Kroger, Giám đốc thu mua Miguel Marcano cho biết ngoài việc thu mua hàng thành phẩm để phân phối, Kroger còn xúc tiến thu mua nguyên liệu để chế biến thực phẩm. Dự kiến sản lượng nguyên liệu thu mua sẽ còn tăng thêm vào những năm tới vì tập đoàn đang phát triển gần 40 nhà máy đặt tại các thành phố lớn của Mỹ.

Ngành mía đường lại thua đau

Bộ Công Thương mới cho phép các doanh nghiệp mía đường xuất khẩu sản phẩm tiểu ngạch sang Trung Quốc thì đường Thái Lan đã đổ bộ vào Việt Nam theo dạng tạm nhập tái xuất rồi sang Trung Quốc qua các cửa khẩu tiểu ngạch. Điều này cũng đồng nghĩa, đường Việt Nam mất thị trường nội địa, vừa mất luôn thị trường xuất khẩu gần như duy nhất.

TS.Hà Hữu Phái, Trưởng Văn phòng Hiệp hội Mía đường Việt Nam tại Hà Nội cho biết, tính từ đầu niên vụ đến 13/5/2013, toàn ngành mía đường đã ép được 15.500.000 tấn mía, cho sản lượng 1.442.800 tấn đường. Trong số 41 nhà máy đường hầu hết đã kết thúc vụ sản xuất, chỉ còn 6 nhà máy sẽ tiếp tục hoạt động đến hết tháng 5. Dự tính cả niên vụ sẽ sản xuất được khoảng 1,5 triệu tấn đường.

Tồn kho đường đã lên cao nhất từ trước tới nay, lượng đường tồn kho tại các nhà máy tính đến 3/5/2013 còn 579.818 tấn. Chưa kể lượng đường tồn kho tại các công ty thương mại trong hệ thống Hiệp hội Mía đường khoảng 28.000 tấn và các hệ thống phân phối. Ước tính, tổng lượng đường tồn kho thời điểm này lên đến 600.000 tấn.

Đường tồn kho tại các nhà máy tính đến 3/5/2013 còn 579.818 tấn
Đường tồn kho tại các nhà máy tính đến 3/5/2013 còn 579.818 tấn
Do tiêu thụ khó khăn, giá bán đường của các nhà máy thấp hơn rất nhiều so với năm 2012. Năm ngoái, giá đường bán tại kho các nhà máy có lúc lên tới 19.000 đồng/kg, cùng thời điểm này là 16.500-17.000 đồng/kg.

Thế nhưng tháng 3/2013, giá đường bán buôn tại kho các nhà máy xuống chỉ còn 13.000 - 13.500 đồng/kg. Từ đầu tháng 5 đến nay, giá đường đã nhích lên nhưng vẫn rất thấp, hiện đường kính trắng ở mức 14.500 - 14.900 đồng/kg, đường tinh luyện 15.500-16.000 đồng/kg. Trên thị trường thế giới, giá đường đã giảm 18% trong vòng một năm qua và đang tiếp tục chịu áp lực giảm giá do cung vượt cầu.

Có một nghịch lý, trong khi đường bán tại các nhà máy giảm giá mạnh thì đường bán lẻ vẫn không giảm. Tại các siêu thị ở Hà Nội, giá đường tinh luyện những ngày qua vẫn ở mức cao 21.000 - 22.000 đồng/kg, đường tinh luyện Biên Hòa là 22.500 đồng/kg. Tại các chợ và cửa hàng bán lẻ, giá đường tinh luyện từ 22-24.000 đồng/kg.

Rõ ràng, giá bán ở nhà máy đến tay người tiêu dùng chênh lệch tới 4-7.000 đồng/kg. Theo phản ánh, hệ thống siêu thị Hà Nội gần như không tiếp cận được nhà máy mà chỉ mua qua các đại lý cấp 1, cấp 2.

Do vậy, mỗi cấp đại lý lại đội giá lên khiến giá đường bán cho người tiêu dùng ở mức cao. Để hạn chế và khắc phục tình trung gian đội giá trong chuỗi tiêu thụ đường, Hiệp hội Mía đường sẽ cùng với Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xúc tiến xây dựng Nghị định về quản lý mía đường trong năm 2013.

Ông Phái nhận định, lượng tồn kho hiện nay đã tới đỉnh, trong những tháng tới sẽ giảm dần do hết vụ sản xuất. Tuy nhiên từ nay đến hết tháng 8/2013, khó có thể tiêu thụ hết lượng đường tồn kho trước khi vào niên vụ sản xuất mới bởi trung bình mỗi tháng, cả nước chỉ tiêu thụ khoảng trên 100.000 tấn.

Lối thoát duy nhất để giải quyết bài toán tiêu thụ cho ngành đường là phải chặn triệt để dòng đường nhập lậu ở biên giới Tây Nam đồng thời thúc đẩy xuất khẩu qua các cửa khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Năm ngoái, khi Nhà nước chưa cho phép xuất khẩu đường tiểu ngạch, vẫn có một số công ty tìm cách xuất “chui” nhưng phải “làm luật” tới 320 đồng/kg và bị phía Trung Quốc ép giá mua xuống thấp khiến doanh nghiệp Việt Nam thua thiệt rất nhiều. Hiệp hội Mía đường đã phải kiến nghị, xin cho xuất khẩu đường tiểu ngạch qua các cửa khẩu phụ, lối mòn.

Mãi đến 8/3/2013, Bộ Công Thương mới cho xuất khẩu đường kính trắng qua cửa khẩu phụ Bản Vược, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Đường xuất tiểu ngạch chỉ được thực hiện từ tháng 3 đến 20/6/2013 với khối lượng 200.000 tấn. Mặc dù muộn nhưng điều này vẫn có tác dụng tốt cho thị trường tiêu thụ đường đến thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, đến nay các nhà máy đường mới xuất khẩu được chừng 25.000 tấn mà chỉ còn 1,5 tháng nữa là hết thời hạn thì con số xuất khẩu 200.000 tấn là quá xa vời. Trong khi đó, đường Thái Lan đã đổ bộ vào Việt Nam theo dạng tạm nhập tái xuất, vận chuyển bằng tàu thủy đến cảng Hải Phòng rồi đưa bằng đường bộ lên Lào Cai sang Trung Quốc qua cửa khẩu phụ Bản Vược.

TS. Hà Hữu Phái than thở, “Mỗi năm đường Thái Lan nhập lậu qua biên giới lên tới 400-500 ngàn tấn và làm sản phẩm đường Việt Nam mất đáng kể thị trường trong nước. Hiệp hội đã phải xin xuất khẩu qua chính sách đối với cư dân biên giới. Nào ngờ đường Thái Lan tiếp tục lấn tới, áp dụng kế sách “mượn đường diệt Quắc” nổi danh trong lịch sử Trung Quốc, mượn đường Việt Nam để đưa hàng vào Trung Quốc, khiến chúng ta thua đau”.

Trong công văn của Hiệp hội Mía đường Việt Nam gửi Chính phủ cuối tháng 4/2013 nêu rõ: “Nếu cho tạm nhập tái xuất mặt hàng đường sang Trung Quốc theo tuyến biên giới, chắc chắn đường của Thái Lan sẽ thay đường sản xuất trong nước để sang Trung Quốc, đồng nghĩa với việc Việt Nam vừa mất thị trường nội địa, vừa mất luôn thị trường xuất khẩu gần như duy nhất của nước ta. Do vậy, Hiệp hội Mía đường kiến nghị Chính phủ không cho phép tạm nhập tái xuất đường, đặc biệt là tạm nhập tái xuất qua cửa khẩu phụ Bản Vược và các địa phương có biên giới giáp với Trung Quốc”.

Ngày 10/5/2013, Văn phòng Chính phủ có Công văn 3702 yêu cầu Ban chỉ đạo 127 trung ương phải khẩn trương báo cáo tình hình buôn lậu đường và hoạt động tạm nhập tái xuất đường thời gian qua (làm rõ số lượng, giá trị và tình hình thanh khoản các lô hàng).

Đồng thời, các Bộ Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia ý kiến đối với kiến nghị của Hiệp hội Mía đường về việc không cho phép tạm nhập tái xuất mặt hàng đường, báo cáo để Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Cơ hội xuất khẩu hàng dệt may sang Brazil

Billie Brothers là công ty hàng đầu về thời trang tại Brazil. Công ty có một chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn tại phía Nam Brazil chuyên phân phối các sản phẩm dệt may của Brazil, các nước Nam Mỹ, Trung Quốc...Hiện công ty muốn tìm kiếm đối tác Việt Nam để nhập khẩu các sản phẩm dệt may với số lượng lớn và đơn hàng ổn định (tối thiểu 5000 sản phẩm mỗi mẫu).

Một số hình ảnh sản phẩm mẫu của công ty mời tham khảo tại đây.
Đại diện công ty dự kiến sẽ sang Việt Nam vào tháng 6 tới để gặp gỡ và làm việc trực tiếp với một số doanh nghiệp dệt may Việt Nam. 
Các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, mời gửi thông tin theo mẫu sau (Mau_thong_tin_doanh_nghiep.xls ) vào địa chỉ: vietradeportal@gmail.com hoặc hienpc@vietrade.gov.vn trước ngày 24/05/2013.

Thông tin chi tiết xin liên hệ:
Cục Xúc tiến Thương mại
Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu- Phòng TT&TVDN
ĐT: 04-39364792 ( số lẻ :117- anh Hiển ) , Di động: 0169.608.4195.
Email: Vietradepotal@gmail.com

Xuất khẩu xe máy sang Ý, Thái Lan, Nhật Bản

Đại diện Công ty Honda VN (HVN) cho biết vừa xuất khẩu lô 450 xe máy (tay ga) SHi150 phiên bản 2012 sang Thái Lan để tung ra thị trường này đầu tháng 6-2013. Lô xe SHi150 đầu tiên cho thị trường Thái Lan có hai màu trắng ngọc trai và đen ánh kim. Dòng xe SHi150 phiên bản 2012 được HVN giới thiệu vào tháng 7-2012 với tỉ lệ nội địa hóa tăng từ 13% lên 93%, tính theo giá trị. Trong năm 2012, HVN cũng xuất khẩu 17.500 bộ linh kiện xe SHi150 sang Ý.

SHi150 phiên bản 2012 vừa được xuất sang Thái Lan
SHi150 phiên bản 2012 vừa được xuất sang Thái Lan
Trước đó tháng 3-2013, HVN đã xuất khẩu xe tay ga Lead 125 sang Nhật với sản lượng 12.000 xe/năm.

Xuất khẩu rau quả có thể đạt 1 tỷ USD năm nay

Trong bối cảnh kinh tế tiếp tục khó khăn, diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro, Hiệp hội Rau quả Việt Nam đã đưa ra dự báo, nhu cầu tiêu thụ rau quả thế giới tiếp tục tăng từ 3,5-5% và ngành rau quả đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 1 tỷ USD trong năm 2013.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả những tháng đầu năm 2013 đã có những tín hiệu đáng mừng. Kim ngạch xuất khẩu quý 1 đạt 187 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2012.

Xuất khẩu rau quả quý 1 đạt 187 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2012
Xuất khẩu rau quả quý 1 đạt 187 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2012
Đến nay, rau quả Việt Nam đã có mặt ở 40 thị trường trên thế giới. Ông Huỳnh Quang Đấu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm rau quả An Giang phấn khởi cho biết, xuất khẩu 4 tháng đầu năm của công ty đạt 5 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ. Điều đáng mừng là số lượng và giá trị xuất khẩu đều tăng.

Tương tự, ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Long Hoàng Hậu Bình Thuận chia sẻ, số lượng xuất khẩu 4 tháng đầu năm tăng 20% và tăng 30% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, các thị trường xuất khẩu chính là EU, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan... Ông nhận định, thị trường xuất khẩu cho trái thanh long hiện đang thuận lợi và tiếp tục triển vọng trong những năm tiếp theo. Quan trọng là cần kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để tăng cơ hội xuất khẩu vào những thị trường khó tính.

Ông Nguyễn Văn Ngã, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 2 cho biết, trung bình mỗi tuần hiện có khoảng 3.000 tấn rau quả xuất sang thị trường EU. Tương tự, những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc cũng đã chấp nhận mặt hàng trái cây Việt Nam như chôm chôm, thanh long...

Đối với thanh long, từ khi Mỹ thực hiện kiểm dịch vào năm 2008 đến nay có khoảng 2.430 tấn xuất sang thị trường này; 1.223 tấn sang Nhật (tính từ 10/2009 đến nay) và 256 tấn vào thị trường Hàn Quốc (tính từ 2/2011).

 Việt Nam cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu rau quả tươi và Chi cục cũng yêu cầu các đơn vị nên lấy hàng từ vùng trồng theo mô hình GAP để có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, rau quả Việt Nam có tiềm năng lớn về xuất khẩu và dự báo nhu cầu tiêu thụ rau quả thế giới  tiếp tục tăng từ 3,5-5%. Theo đó, ngành đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2013 là 1 tỷ USD so với năm 2012 đạt 829 triệu USD. Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế thế giới còn khó khăn, doanh nghiệp cần nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Với tư cách Phó chủ tịch Hiệp hội, ông Đấu cho rằng “5 năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu rau quả đều có sự tăng trưởng, nếu doanh nghiệp xuất khẩu đoàn kết vượt khó thì Việt Nam có thể đạt 1 tỷ USD trong năm nay. Vấn đề quan trọng hiện nay là làm cho nông dân có ý thức trong sản xuất phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thị trường”.

Tại đại hội Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhiệm kỳ 3 (2013-2018), hiệp hội cho rằng,  một số hạn chế hiện nay của ngành rau quả cần có giải pháp khắc phục. Như số liệu thống kê xuất nhập khẩu, từ trước đến nay hiệp hội chỉ nhận được từ Bộ Công Thương số liệu kim ngạch xuất khẩu rau quả theo thị trường, không có số liệu xuất khẩu theo khối lượng, mặt hàng hay giá xuất khẩu.

Việc thiếu số liệu làm cho công tác dự báo, dự đoán tình hình xuất khẩu và giá cả thị trường bị hạn chế. Về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, hiện các cơ sở trồng rau quả được chứng nhận VietGAP còn quá ít nên doanh nghiệp phải mua thêm hàng không có VietGAP.

Ngoài ra, doanh nghiệp rau quả hoạt động không ổn định, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, dễ bị tổn thương trong khủng hoảng kinh tế. Thời gian qua nhiều hội viên hiệp hội đã phá sản, thua lỗ, giải thể ngưng sản xuất, chuyển đổi ngành nghề. Các kiến nghị biện pháp phát triển ngành rau quả và bảo vệ quyền lợi hội viên tuy đã được Bộ ghi nhận nhưng mới có một số kiến nghị được giải quyết như mở cửa thị trường khó tính, bỏ thuế môi trường đối với túi nylong đựng hàng xuất khẩu...

Để đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2013, hiệp hội đề ra một số nhiệm vụ như tổ chức liên kết hội viên trong sản xuất, kinh doanh, mua bán hàng hóa và dịch vụ. Tăng cường sinh hoạt nội bộ hội viên với các hình thức họp, tọa đàm, làm việc với các đoàn nhập khẩu trong và ngoài nước.

Công tác xúc tiến thương mại và tham gia các chương trình hội chợ trong và ngoài nước, đoàn khảo sát thị trường nước ngoài, quảng bá hàng nông lâm sản cũng sẽ được đẩy mạnh.

Dự kiến sản phẩm rau quả trái cây của Việt Nam sẽ được quảng bá đến các hội nghị tham tán Việt Nam ở các nước tổ chức tại Việt Nam và thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Hiệp hội sẽ tổ chức nhiều hội chợ rau quả xuất khẩu trong và ngoài nước để quảng bá cho rau quả Việt Nam. Ngoài ra, cung cấp thông tin dự báo, làm việc với Bộ Công Thương về việc cung cấp số liệu xuất nhập khẩu rau quả...

Xuất khẩu cao su giảm mạnh

Xuất khẩu cao su trong 4 tháng đầu năm đã suy giảm mạnh cả về khối lượng và giá bán, kim ngạch giảm tới 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất săm lốp đã phải chi tới 243 triệu USD để nhập khẩu cao su nguyên liệu, khiến thặng dư thương mại của ngành cao su còn chưa tới 370 triệu USD.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, khối lượng cao su xuất khẩu tháng 4/2013 ước đạt 44 ngàn tấn, trị giá 101 triệu USD, đưa lượng xuất khẩu 4 tháng đầu năm lên 234 ngàn tấn với giá trị 610 triệu USD; giảm 12,9% về khối lượng và giảm 24,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2012. Giá cao su xuất khẩu bình quân quý 1 là 2.683 USD/tấn, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 4, giá cao su xuất khẩu vẫn diễn biến theo chiều hướng giảm. So với tuần đầu tháng 4, giá cao su SMR 3L tuần cuối tháng 4 chỉ đạt 2.780 USD/tấn, tương đương giảm 1,8%. 

Xuất khẩu cao su giảm mạnh
Xuất khẩu cao su giảm mạnh
Mặc dù thị trường Trung Quốc vẫn là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam, nhưng giảm tới 20,3% về khối lượng và giảm 22,4% về giá trị so với cùng kỳ 2012. Khối lượng cao su xuất khẩu sang Malaysia tăng 15,8%, nhưng kim ngạch cũng chỉ tương đương cùng kỳ năm trước.
Thị trường thế giới càng ảm đạm hơn bởi thông tin dự trữ cao su toàn cầu sẽ tăng lên 2,17 triệu tấn năm 2014 do sản lượng vượt tiêu thụ trong những năm tới. Dự trữ tại Thanh Đảo, trung tâm cao su lớn nhất Trung Quốc, tăng lên mức kỷ lục 366.900 tấn đến 15/4/2013.

Tại Thái Lan, nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới, các nhà sản xuất bắt đầu khai thác mủ cao su vào cuối tháng 4 khiến giá cao su Thái Lan giảm 1,5% so với đầu tháng, xuống còn chưa tới 82 Bạt (tương đương 2,84 USD)/kg.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông cũng cho biết, giá thu mua cao su thiên nhiên trong nước đã sơ chế hiện ở mức 20.000 đồng/kg, mủ cao su thiên nhiên dạng nước ở mức 16.000 đồng/kg. Thế nhưng nông dân trồng cao su tiểu điền chỉ còn bán được với giá 9.000 đồng/kg, bằng 30% so với các năm trước.

Nguyên nhân là từ khi bước vào vụ thu hoạch chính (đầu tháng 4), thương lái liên tục ép giá người trồng cao su. Các năm trước, giá mủ cao su bình quân 27.000 đồng/kg, người nông dân còn thu lãi, nhưng với giá bán như hiện nay chỉ đủ tiền thuê nhân công thu hoạch mủ cao su.

Việt Nam là nước xuất khẩu cao su lớn thứ 3 thế giới nhưng hầu hết doanh nghiệp sản xuất săm lốp cao su đang điêu đứng vì đói nguyên liệu trầm trọng nên phải nhập nguyên liệu từ Thái Lan.

Cả nước có khoảng 220 doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ cao su, hàng năm tiêu thụ hàng trăm nghìn tấn cao su nguyên liệu nhưng sự liên kết giữa các doanh nghiệp kinh doanh mủ cao su và các doanh nghiệp sản xuất săm lốp hay doanh nghiệp chế biến cao su rất èo uột.

Ước khối lượng nhập khẩu cao su trong tháng 4/2013 đạt 24 nghìn tấn, tiêu tốn 59 triệu USD. Lũy kế tổng nhập khẩu cao su 4 tháng đầu năm 2013 đạt 101 nghìn tấn, kim ngạch 243 triệu USD.

Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp sản xuất mủ cao su không bán sản phẩm cho các doanh nghiệp trong nước mà phải xuất khẩu, đó là do chính sách thuế đang khuyến khích doanh nghiệp cao su xuất khẩu thô thay vì chế biến sâu hoặc bán nguyên liệu trong nước.

Lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu mủ cao su ở Bình Phước cho hay: “Hiện chúng tôi xuất khẩu tới 90% sản lượng vì thuế suất với sản phẩm cao su xuất khẩu là 0%, trong khi nếu bán trong nước sẽ phải chịu thuế VAT 5%”.

Theo GS. Nguyễn Việt Bắc, Viện Hóa học Vật liệu, nếu bán cao su sơ chế thu được một đồng, đầu tư chế biến thành săm lốp thì lợi nhuận gấp 10 lần và chế biến sâu ra cao su kỹ thuật thì lợi nhuận sẽ gấp 20 lần. Thế nhưng, Việt Nam vẫn đang lãng phí nguồn vàng trắng này. doanh nghiệp cao su phần lớn của Nhà nước nhưng đến nay vẫn dừng lại ở việc trồng rừng, cạo mủ, còn quá xa để trở thành ngành công nghiệp thực sự.

Thống kê của Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA) cho thấy, cao su xuất khẩu dưới dạng thô chiếm tới 87% sản lượng cao su cả nước. Do bán thô nên không làm chủ được giá và giá trị gia tăng cũng rất thấp.

Ban chỉ đạo Tây Nguyên vừa đưa ra kế hoạch thúc đẩy đầu tư chế biến sâu, đa dạng sản phẩm cao su ở khu vực Tây Nguyên. Theo đó, các tỉnh Tây Nguyên có diện tích trồng cao su khá lớn, trên 242.810 ha, sản lượng mỗi năm đạt 165 -170 nghìn tấn mủ, chỉ sau các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Từ trước tới nay, khu vực này chỉ đầu tư xây dựng các nhà máy sơ chế mủ cao su, với các sản phẩm như mủ cốm, mủ kem (Latex), mủ tờ.

Tại Đắk Lắk, đến nay đã đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến các sản phẩm từ mủ cao su tiêu thụ nội địa và xuất khẩu (dây thun, chỉ thun...), tổng công suất 15.000 tấn sản phẩm/năm, 6 nhà máy sơ chế mủ cao su tổng công suất 40.000 tấn mủ/năm.

Các tỉnh Tây Nguyên đang kêu gọi các thành phần kinh tế trong, ngoài nước đầu tư, khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sâu, đa dạng hoá sản phẩm cao su nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.

Nhiều chuyên gia cho rằng để cứu các doanh nghiệp sản xuất săm lốp và cũng là để ngành cao su phát triển bền vững, cần tạo sự gắn kết giữa các doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ cao su với công ty có nguyên liệu thông qua những hợp đồng dài hạn.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cần đưa ra cơ chế chính sách hợp lý để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất mủ cao su tập trung chế biến sâu, tăng sản lượng, ưu tiên phát triển thị trường trong nước.

Nhập khẩu chất dẻo và nguyên liệu tăng cả lượng và trị giá so với cùng kỳ

Nhập khẩu các mặt hàng chất dẻo vào nước ta liên tục tăng, cho thấy ngành nhựa vẫn đang phát triển tốt, nhu cầu nguyên liệu cao cấp cho sản xuất. 

Số liệu từ TCHQ Việt Nam cho thấy, 3 tháng đầu năm 2013, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng chất dẻo và nguyên liệu là 1,3 tỷ USD, tương đương với 733,5 nghìn tấn, tăng 16,27% về lượng và tăng 18,13% về trị giá so với cùng kỳ năm 2012. 

Các thị trường trong khu vực châu Á vẫn là thị trường cung cấp chất dẻo nguyên liệu chính cho nước ta. Trong đó, thị trường Arập Xêut là thị trường có lượng nhập khẩu nhiều trong 3 tháng đầu năm nay, với 174,3 nghìn tấn, chiếm 23,7% tổng lượng nhập khẩu mặt hàng, trị giá 250 triệu USD, tăng 23,62% về lượng và tăng 35,62% về trị giá so với cùng kỳ. 

Trong tháng 3.2013, hạt nhựa nguyên sinh là chủng loại được nhập khẩu về nhiều từ thị trường này, với đơn giá trong khoảng từ 1,35-1,41 USD/kg. 

Giá nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu nhập khẩu từ thị trường Ả rập Xê út trong tháng 3/2013.

Chủng loại
Đơn giá (USD/kg)
Cảng, cửa khẩu
PTTT
Hạt nhựa HDPE - HIGH DENSITY POLYETHYLENE RESIN F1
1,47
Cảng Cát Lái (Hồ Chí Minh)
CIF
Hạt nhựa nguyên sinh HDPE
1,41
Cảng Cát Lái (Hồ Chí Minh)
CIF
Hạt nhựa nguyên sinh LLDPE
1,45
Cảng Cát Lái (Hồ Chí Minh)
CIF
Hạt Nhựa ( HDPE F00952)
1,30
Cảng Hải Phòng
CIF
Hạt nhựa nguyên sinh LLDPE
1,35
Cảng Cát Lái (Hồ Chí Minh)
CIF
Hạt nhựa PP nguyên sinh PP H1045
1,49
Cảng Hải Phòng
CIF
Hạt nhựa nguyên sinh HDPE
1,35
Cảng Cát Lái (Hồ Chí Minh)
CIF
Hạt nhựa Low Density Polyethylene (LDPE) HP4023W-Dạng nguyên sinh chính phẩm - Mới 100%
1,47
Cảng Cát Lái (Hồ Chí Minh)
CIF

Đứng thứ hai trong danh sách các thị trường cung cấp nhựa nguyên liệu cho nước ta là thị trường Hàn Quốc, với 151,1 nghìn tấn, trị giá 278,3 triệu USD, tăng 28,47% về lượng và tăng 32,12% về trị giá so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, tuy nhập khẩu hơn 1 nghìn tấn chất dẻo nguyên liệu từ thị trường Hà Lan, kim ngạch là 3,1 triệu USD, nhưng lại là thị trường có sự tăng mạnh hơn cả, tăng 120,61% về lượng và tăng 75,77% về trị giá so với 3 tháng năm 2012.

Nhìn chung 3 tháng đầu năm 2013, nhập khẩu chất dẻo và nguyên liệu từ các thị trường chính đều tăng trưởng cả về lượng và trị giá. Cụ thể, Đài Loan tăng 5,97% về lượng và 5,7% về trị giá, tương đương với 98,5 nghìn tấn, 180,9 triệu USD; Thái Lan tăng 16,87% về lượng và tăng 18,65% về trị giá với 69,2 nghìn tấn, 116,6 triệu USD…

Thị trường nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu 3 tháng 2013
ĐVT: lượng (tấn); Trị giá (USD)
 
NK3T/2013
NK3T/2012
% so sánh
Lượng
Trị giá
Lượng
Trị giá
lượng
trị giá
Tổng KN
733.580
1.302.014.080
630.904
1.102.204.161
16,27
18,13
A rập Xêut
174.322
250.058.079
141.015
184.375.603
23,62
35,62
Hàn Quốc
151.143
278.310.152
117.651
210.652.376
28,47
32,12
Đài loan
98.554
180.967.990
92.999
171.202.223
5,97
5,70
Thái Lan
69.223
116.692.863
59.230
98.350.772
16,87
18,65
Trung Quốc
43.625
89.418.218
29.747
66.983.970
46,65
33,49
Malaixia
36.270
64.379.829
35.763
62.842.314
1,42
2,45
Xingapo
34.522
61.156.164
34.168
63.886.098
1,04
-4,27
Nhật Bản
23.423
71.314.490
21.366
70.544.717
9,63
1,09
Hoa Kỳ
21.046
49.143.404
20.620
45.183.206
2,07
8,76
An Độ
18.018
27.330.121
19.580
27.658.676
-7,98
-1,19
Hong Kong
3.286
6.592.478
2.688
4.786.802
22,25
37,72
Tây Ban Nha
2.545
5.201.641
1.342
2.895.528
89,64
79,64
Đức
2.302
9.208.943
1.965
8.604.935
17,15
7,02
Philippin
1.666
3.355.165
1.875
3.288.634
-11,15
2,02
Hà Lan
1.092
3.181.655
495
1.810.084
120,61
75,77
Bỉ
973
2.966.502
937
2.788.438
3,84
6,39
Tiểu vương quốc A rập thống nhất
930
1.367.936
17.378
24.034.909
-94,65
-94,31
Pháp
750
2.231.507
511
2.038.914
46,77
9,45
Italia
709
1.754.133
665
1.594.885
6,62
9,98
Oxtraylia
572
1.167.439
537
1.076.143
6,52
8,48
Anh
328
1.460.816
329
1.780.717
-0,30
-17,96
Nga
216
631.950
200
580.250
8,00
8,91
Thụy Điển
141
435.499
262
615.561
-46,18
-29,25
 

Hỏi đáp: Thủ tục xuất khẩu giày dép

Hỏi:
Công ty chúng tôi là Công ty TNHH một thành viên, ngành nghề kinh doanh là xuất nhập khẩu nông thuỷ sản và xúc tiến thương mạị. Hiện nay chúng tôi đang có kế hoạch xuất khẩu mặt hàng giày dép (hàng do các Công ty tại VN sản xuất ) sang thị trường Mỹ và Mexico.

Chúng tôi muốn hỏi về các giấy tờ cần thiết để có thể xuất khẩu giày dép sang hai thị trường trên. Do sản phẩm trên không phải là sản phẩm mà công ty sản xuất ra nên khi làm thủ tục hải quan Công ty chúng tôi có cần phải có.

Đáp:
1. Đối với thương nhân Việt Nam không có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, trừ hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa thuộc Danh mục cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, thương nhân được xuất khẩu nhập khẩu hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh (khoản 1 điều 3 Nghị định 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 Quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại).

2. Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu gồm:
a) Tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu (bản chính); bản kê chi tiết hàng hóa đối với hàng có nhiều chủng loại hoặc hàng đóng gói không đồng nhất (bản chính);
b) Giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hàng hóa phải có giấy phép xuất khẩu theo quy định của pháp luật (bản chính); chứng từ khác theo quy định của pháp luật đối với từng mặt hàng cụ thể (bản sao);
c) Hợp đồng mua bán hàng hoá hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương hợp đồng (bản sao) (khoản 1 điều 7 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 Quy định chi tiết Luật Hải quan).

Điểm tin kinh tế, tài chính, thương mại ngày 17/5/2013

Nhu cầu vàng của Việt Nam giảm 17% trong quý I

Hội đồng vàng thế giới (WGC) vừa ra báo cáo về nhu cầu vàng thế giới trong quý I/2013. Theo báo cáo này, trong quý I, nhu cầu vàng thế giới giảm 13% xuống nhất 9 năm còn 963 tấn trong quý I, từ 1.107,5 tấn cùng kỳ năm ngoái. Tổng nhu cầu đầu tư giảm 49% xuống còn 200,8 tấn, chủ yếu do các quỹ tín thác bán tháo gần 177 tấn vàng. Xét về giá trị, nhu cầu vàng thế giới giảm 50,5 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo của WCG chỉ ra, trong quý I, tổng đầu tư vàng thỏi và vàng xu của Việt Nam là 14,2 tấn, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2012 là 17,4 tấn. Trong khi đó, nhu cầu với vàng trang sức là 4,4 tấn, giảm 12% so với quý I/2012. Nhu cầu vàng thỏi và trang sức nói chung đạt 18,6 tấn, giảm 17% so với mức 22,4 tấn cùng kỳ năm ngoái.
 
Xét về giá trị, đầu tư vàng thỏi và vàng xu quý I/2013 của Việt Nam đạt 745 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2012, giá trị mua vàng trang sức cũng giảm còn 229 triệu USD, từ 269 triệu USD năm ngoái. Tính chung, giá trị đầu tư vàng quý I của Việt Nam đạt 974 triệu USD, giảm 20% so với năm ngoái.

Trong vòng 12 tháng kết thúc vào cuối quý I/2013, nhu cầu vàng trang sức của Việt Nam là 10,8 tấn, tương ứng giảm 13% so với 12 tháng kết thúc vào cuối quý I/2012. Trong khi đó, nhu cầu vàng thỏi, vàng xu đạt 62,2 tấn, giảm 32%.

So với khu vực, trong khi các thị trường như Ấn Độ, Trung Quốc , Hong Kong, Đài Loan tăng nhu cầu đầu tư vàng trang sức và vàng thỏi, vàng xu, thì nhu cầu tại Việt Nam giảm với lý do được cho là thu nhập khả dụng của người dân giảm và sự kiểm soát của Chính phủ đối với thị trường vàng.

Hai vùng động lực thu hút hơn 80% dự án FDI 

Hai vùng kinh tế động lực phía Bắc và phía Nam, với Hà Nội và TP.HCM là 2 trung tâm, đã thu hút 377 dự án có tổng vốn đăng ký 2 tỷ USD, chiếm trên 80% số dự án và hơn 25% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay (kể cả tăng vốn).

Cả 11 tỉnh, thành phố thuộc 2 vùng này đều có dự án mới. Trong đó, dẫn đầu về vốn là Bình Dương đạt 573 triệu USD, dẫn đầu về số dự án là TP.HCM với 131 dự án, nhưng đặc biệt, dẫn đầu về quy mô dự án lại là Vĩnh Phúc với 257 triệu USD của 3 dự án mới cấp phép.

Như vậy, trừ Vĩnh Phúc, hầu hết những dự án đầu tư vào 2 vùng kinh tế động lực phía Bắc và phía Nam trong hơn 4 tháng gần đây đều thuộc loại vừa và nhỏ, bình quân đạt khoảng 5,4 triệu USD/dự án. Dự án vừa và nhỏ có lợi thế là nhanh chóng đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả, sớm mang lại lợi ích cho nhà đầu tư và kinh tế - xã hội từng địa phương. Đó cũng là biểu hiện nỗ lực vươn lên của các nhà đầu tư trong bối cảnh kinh tế suy giảm.

Từ 1/7, thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng mới nộp thuế thu nhập cá nhân

Theo Bộ Tài chính, các văn bản hướng dẫn Luật Thuế thu nhập cá nhân cũng đang được gấp rút hoàn thiện.

Theo tính toán của cơ quan thuế, đến thời điểm Luật mới có hiệu lực (1/7/2013), dự kiến hơn 2 triệu người đang nộp thuế thu nhập từ tiền lương tiền công, từ kinh doanh ở bậc 1, bậc 2 sẽ không thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân, người nộp thuế ở bậc 3, bậc 4 cũng giảm số thuế nộp đáng kể.
Việc giảm nghĩa vụ thuế cơ bản là do mức giảm trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế được nâng từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng và với mỗi người phụ thuộc là từ 1,6 triệu đồng tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng.

Xuất khẩu gạo đạt 2,226 triệu tấn
 
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, tính đến ngày 9/5, Việt Nam đã xuất khẩu 2,226 triệu tấn gạo, trị giá 1.014 triệu USD. Hiện giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 4.950-5.050 đ/kg, lúa dài khoảng 5.150-5.250 đ/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 6.600-6.700 đ/kg tùy từng địa phương. Gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.450-6.550 đ/kg tùy chất lượng và địa phương. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 7.550-7.650 đ/kg, gạo 15% tấm 7.300-7.400 đ/kg, gạo 15% tấm 7.300 – 7.400 đ/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.050-7.150 đ/kg tùy chất lượng và địa phương. 

Đưa mặt hàng quặng vào Danh mục  rủi ro hàng hóa XNK cấp Cục
 
Để đảm bảo thu đúng, thu đủ thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng XK có thuế, đặc biệt là mặt hàng quặng, Tổng cục Hải quan đã có công văn yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, điều chỉnh Danh mục rủi ro hàng XNK cấp Cục và mức giá keierm tra kèm theo. Theo đó, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố phải rà soát xây dựng, bổ sung, sửa đổi Danh mục rủi ro hàng XK và mức giá kiểm tra kèm theo đối với các mặt hàng quặng có làm thủ tục XK tại địa phương trên cơ sở thu thập các nguồn thông tin theo quy định. Bên cạnh đó, Tổng cục yêu cầu các đơn vị để sửa đổi, bổ sung Danh mục rủi ro hàng XK và mức giá kiểm tra kèm theo đối với mặt hầng quặng XK phù hợp với sự biến động giá cả thị trường và tình hình thực tế XK tại địa phương. 

Sắp cấp mã số thuế cho người phụ thuộc

Cơ quan thuế sẽ cấp mã số thuế cho người phụ thuộc nhằm tránh gian lận thuế trong quá trình kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân.

Thông tin này được Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Tổng cục thuế (Bộ Tài chính) đưa ra tại hội thảo Hướng tới thực thi hiệu quả Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) do Tạp chí Tài chính tổ chức sáng 16/5.

Theo ông Thông tư hướng dẫn Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế TNCN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật thuế TNCN ban hành tới đây sẽ quy định cấp mã số thuế cho người phụ thuộc từ 1/7 nhằm kiểm soát và tránh gian lận thuế. 

Hà Lan đầu tư gần 6 tỷ USD vào Việt Nam

Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Hà Lan luôn nằm trong số các nước đứng đầu Liên minh châu Âu (EU) về viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học - công nghệ, quy hoạch và quản lý nguồn nước, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, vệ sinh môi trường, nông nghiệp và nông thôn, hỗ trợ kỹ thuật phát triển tăng trưởng xanh và bền vững...

Đến nay, Hà Lan có 160 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt xấp xỉ 6 tỷ USD.
Hà Lan hiện là 1 trong 5 đối tác thương mại hàng đầu của TPHCM trong khối EU.

Ngoài ra, TPHCM cũng nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức và địa phương của Hà Lan trong quản lý môi trường nước, chống ngập, thích ứng và giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu.

Xuất khẩu cá tra có thêm thị trường mới

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt nam (VASEP), xuất khẩu cá tra Việt Nam trong quý I/2013 lại tiếp tục gặp khó khăn khi giá trị xuất khẩu chỉ đạt 388,4 triệu USD, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Những khó khăn của thị trường xuất khẩu truyền thống khiến các doanh nghiệp phải mở rộng thị trường sang các nước có nền kinh tế mới nổi với sức tiêu thụ và khả năng nhập khẩu cao. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn môi trường cũng ngày càng được các thị trường chú ý nhiều hơn. Ấn Độ là một trong những thị trường mới đầy tiềm năng hiện nay. 

Trong 3 năm gần đây xuất khẩu cá tra sang Ấn Độ tăng mạnh do cá tra được ưa chuộng tại các nhà hàng tại nước này. Nguyên nhân là do cá tra có nguồn cung lớn, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon nhưng giá cả chỉ bằng một nửa so với nhiều loài cá tại Ấn Độ. 

Châu Phi- miền đất hứa cho thủy sản VN

Tại hầu hết các quốc gia khu vực châu Phi, ngành nuôi trồng thuỷ sản, nhất là cá nước ngọt không phát triển do đó phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước. Trong khi đó, nguồn cung cá tra trong nước dồi dào với mức giá ổn định là điều kiện thuận lợi để các DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang khu vực này. Thực tế cho thấy, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng như cá basa, tra, tôm sang thị trường khu vực đã không ngừng tăng trong những năm qua. Cụ thể, năm 2012, Việt Nam đã xuất khẩu mặt hàng này sang 25 nước châu Phi với kim ngạch đạt gần 150 triệu USD, tăng 38% so với năm 2011. Chỉ tính riêng quý I/2013, giá trị xuất khẩu hàng thủy sản sang châu Phi đạt 30,3 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Người dân Châu Phi đang có xu hướng dùng hàng thủy sản thay thế cho thịt trong bữa ăn. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này, thậm chí có thể nghiên cứu phương án nuôi trồng thủy sản tại nước sở tại phục vụ nhu cầu địa phương và xuất khẩu sang các nước lân cận.

XNK năm 2013: Xuất khẩu dệt may Việt Nam tăng trưởng cao nhất thế giới

Việt Nam là thị trường có thể đáp ứng được sự đa dạng về các chủng loại hàng may mặc. Đây là một trong những yếu tố hấp dẫn nhà nhập khẩu vì họ chỉ cần đến một nơi nhưng có thể tìm mua, đặt hàng được nhiều thứ. 
Ngày 13-4, tại hội thảo “Năng lực cạnh tranh của dệt may Việt Nam dưới góc nhìn của chuyên gia quốc tế” diễn ra tại TPHCM, bà Dhyana Van der Pols, chuyên gia tư vấn của Tổ chức Xúc tiến xuất khẩu từ các nước đang phát triển sang EU (CBI) thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan cho biết, theo số liệu nghiên cứu mới nhất vừa được công bố, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may trong giai đoạn 2005 - 2011 của Việt Nam đạt mức cao nhất thế giới với 32%.
 
Trung Quốc đạt 15%, Ấn Độ 10%, các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Thái Lan đạt mức 7%. Ngoài lợi thế về ổn định chính trị, năng suất, chi phí nhân công tương đối vì có tăng nhưng vẫn thấp hơn so với các nước có cạnh tranh như Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ.

Việt Nam là thị trường có thể đáp ứng được sự đa dạng về các chủng loại hàng may mặc. Đây là một trong những yếu tố hấp dẫn nhà nhập khẩu vì họ chỉ cần đến một nơi nhưng có thể tìm mua, đặt hàng được nhiều thứ. Dù Việt Nam hiện vẫn chưa nằm trong tốp 10 nước cung ứng hàng dệt may vào EU nhưng với FTA Việt Nam - EU đang đàm phán sẽ mở ra cơ hội tăng thị phần xuất khẩu vào thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn nhất thế giới này.

10 ngành hàng xuất – nhập khẩu nhiều nhất 4 tháng năm 2013

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 4T.2013 đạt gần 79 tỷ USD. Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt khoảng 45,317 tỷ USD, còn khối các doanh nghiệp trong nước đạt khoảng 33,682 tỷ USD, lần lượt chiếm hơn 57% và khoảng 43% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Trong 4T.2013 khối các doanh nghiệp FDI xuất siêu tới hơn 1,169 tỷ USD nhưng cũng không “gánh” nổi con số nhập siêu lên tới 1,892 tỷ USD của khối doanh nghiệp trong nước, khiến cả nước phải nhập siêu tới 723 triệu ÚSD (trong khi tại thời điểm Q1.2013, cũng nhờ khối doanh nghiệp FDI, cả nước xuất siêu đạt trên 278 triệu USD).

Xuất khẩu

Tại thời điểm 4T.2013, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt khoảng 39,138 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ  năm trước. Riêng trong T4.2013, kim ngạch xuất khẩu đạt 10,033 tỷ USD, giảm 4,5% so với tháng trước.

So với thời điểm Q1.2013, vị trí các mặt hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu trong Top 10 không có sự thay đổi. Nhóm các mặt hàng Điện thoại-máy móc-phương tiện vận tải-linh kiện vẫn chiểm tới 5 vị trí trong Top 10.

Điện thoại các loại và linh kiện tiếp tục là nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu nhiều nhất với 5,966 tỷ USD, cũng làm nhóm ngành có tốc độ tăng cao nhất so với cùng kỳ năm trước (97%). Tiếp theo là nhóm mặt hàng dệt may (4,990 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (3,126 tỷ USD);…

10 ngành hàng xuất khẩu có giá trị cao nhất 4T.2013
STT
Mặt hàng, nhóm mặt hàng
Kim ngạch xuất khẩu
Giá trị (triệu USD)
So với cùng kỳ năm trước (%)
1
Điện thoại các loại và linh kiện
5.966
97,0
2
Hàng dệt may
4.990
18,0
3
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện
3.126
44,5
4
Dầu thô
2.378
2,1
5
Giày dép các loại
2.358
14,2
6
Phương tiện vận tải và phụ tùng
1.807
18,5
7
Hàng thủy sản
1.727
-3,5
8
Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác
1.690
-1,6
9
Gỗ và sản phẩm gỗ
1.579
13,1
10
Cà phê
1.262
-13,9

Trong Top 10 có 3 mặt hàng/nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước, thì có tới 2 mặt hàng thuộc nhóm các mặt hàng nông-lâm-thủy sản, đó là hàng thủy sản (giảm 3,5%) và cà phê (giảm 13,9%)

Nhập khẩu

Tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước trong 4T.2013 đạt khoảng 39,861 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước; trong đó sự đóng góp của riêng T4.2013 là 10,696 tỷ USD, giảm 0,9% so với tháng trước.

So với thời điểm Q1.2013, vị trí của các mặt hàng/nhóm mặt hàng trong Top 10 nhập khẩu chỉ có một sự thay đổi, đó là sự hoán đổi vị trí (9) và (10) giữa mặt hàng kim loại thường khác với nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu.

Nhóm mặt hàng có giá trị nhập khẩu nhiều nhất trong 4T.2013 vẫn là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 5,574 tỷ USD. Đứng thứ hai là nhóm mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác với 5,430 tỷ USD. Mặc dù nhóm mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đứng thứ 3, song tốc độ tăng trưởng của nhóm mặt hàng này lại đạt cao nhất với 92,6%.

10 ngành hàng nhập khẩu có giá trị cao nhất 4T.2013
STT
Mặt hàng, nhóm mặt hàng
Kim ngạch nhập khẩu
Giá trị (triệu USD)
So với cùng kỳ năm trước (%)
1
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện
5.574
61,0
2
Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác
5.430
10,0
3
Điện thoại các loại và linh kiện
2.318
92,6
4
Xăng dầu các loại
2.357
-22,9
5
Vải các loại
2.387
16,1
6
Sắt thép các loại
2.253
12,6
7
Chất dẻo nguyên liệu
1.710
14,5
8
Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày
1.081
13,4
9
Kim loại thường khác
0,915
18,5
10
Thức ăn gia súc và nguyên liệu
0,911
50,1

Xuất - nhập khẩu của Việt Nam sẽ có nhiều điểm sáng năm 2013

Các nền kinh tế châu Âu và Mỹ đang trên đà khôi phục là thuận lợi quan trọng cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2013, nhờ vậy, hàng tồn kho sẽ không còn là vấn đề đáng lo ngại.

Trong điều kiện tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới không được như mong đợi, thị trường nhập khẩu hàng hóa Việt Nam bị thu hẹp, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước gặp khó khăn phải thu hẹp quy mô sản xuất nhưng tăng trưởng xuất khẩu năm 2012 vẫn đạt trên 16% (vượt mức 13 - 14% kế hoạch đề ra). Đây là một trong những thành tích đáng kể của kinh tế Việt Nam 2012.

Sang năm 2013, các nền kinh tế châu Âu và Mỹ đang trên đà khôi phục là thuận lợi quan trọng cho xuất khẩu của Việt Nam, thêm vào đó, sự sụt giảm tăng trưởng của hai nền kinh tế là Ấn Độ và Trung Quốc cũng tạo ra một lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong việc xuất khẩu khi nhân công và chi phí đầu vào của Việt Nam được đánh giá là thấp hơn 2 - 2,5 lần so với Ấn Độ, Trung Quốc. Dòng vốn đầu tư FDI, ODA vào Việt Nam trong năm 2013 có nhiều triển vọng tăng cao hơn năm 2012 sẽ giúp cho kinh tế Việt Nam, nền kinh tế còn phục thuộc nhiều vào đầu tư khởi sắc.

Tại buổi công bố dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2013, hôm nay, ngày 7/12, TS. Lương Văn Khôi, Trưởng Ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được cải thiện trong năm 2013 nhờ các ưu tiên cứu trợ trong chính sách trợ giúp doanh nghiệp của Chính phủ. Thêm vào đó, thị trường xuất khẩu của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chủ yếu cũng là nhóm hàng tiêu dùng như gạo, cà phê, chè… và giá các mặt hàng này trên thị trường thế giới đang có chiều hướng tăng, do đó tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục ổn định trong năm 2013.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu năm 2013 cũng gặp phải không ít khó khăn khi mà nền kinh tế thế giới năm 2013 được dự báo là có tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2012 nhưng không nhiều, và vào những tháng cuối năm lại có xu hướng điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2013 giảm so với trước đó (từ mức 3,9% xuống 3,4%). Điều đó chứng tỏ nền kinh tế thế giới vẫn đang chứa đựng nhiều rủi ro. Đặc biệt, hai đối tác nhập khẩu quan trọng của Việt Nam là Hoa Kỳ có tốc độ tăng trưởng được dự báo chỉ nhỉnh hơn năm trước, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản được dự báo sụt giảm hơn sẽ gây tác động không nhỏ đến xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2013.

Cùng với đó, hiện Việt Nam đang thực hiện xóa bỏ và giảm thiểu các trợ cấp xuất khẩu theo cam kết gia nhập WTO, trong khi việc sử dụng các hàng rào bảo hộ kĩ thuật có thể khiến cho hàng xuất khẩu Việt Nam mất đi những lợi thế cạnh tranh tương đối. Và dù rằng kinh tế châu Âu và Mỹ có dấu hiệu phục hồi nhưng các bảo hộ thương mại có xu hướng được sử dụng nhiều hơn sẽ là rào cản lớn đối với hàng hóa Việt Nam vào hai nền kinh tế lớn này, vì vậy chính phủ các nước có khả năng dè dặt trong việc nhập khẩu hàng hóa và nhu cầu có tăng nhưng sẽ không tăng cao. Riêng với nhập khẩu, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất và hàng tiêu dùng tăng cao khi nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, những yếu tố rủi ro của kinh tế thế giới cũng như khó khăn của kinh tế Việt Nam sẽ gây tác động tiêu cực đến hoạt động nhập khẩu năm 2013.

Với sự phục hồi của xuất nhập khẩu, dự báo năm 2013 kim ngạch xuất khẩu (giá FOB) đạt 129,498 tỷ USD, nhập khẩu (giá FOB) tăng đạt 132,836 tỷ USD, cán cân thương mại của Việt Nam sẽ thâm hụt (-) 3,328 tỷ USD năm.

Như vậy, nhờ khả năng xuất khẩu sẽ tăng trong năm 2013 mà tình hình tồn kho thành phẩm của các doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất trong nước sẽ không đáng ngại, thậm chí TS. Lương Văn Khôi còn nghi ngờ con số hàng tồn kho được đưa ra thời gian qua. Bởi theo điều tra khảo sát niềm tin kinh doanh tại Việt Nam tiến hành trong quý III/2012. Trong số 910 doanh nghiệp được điều tra khảo sát thì có tới 66,4% cho rằng tồn kho thành phẩm xét theo khối lượng của doanh nghiệp là bình thường, chỉ có 15,1% cho rằng trên mức bình thường, trong đó có 9,1% đánh giá ở mức dưới mức bình thường. Có thể nói, tồn kho trong lĩnh vực bất động sản mới chiếm phần lớn lượng tồn kho chung, còn thực sự tồn kho trong nền kinh tế Việt Nam không quá nguy cấp như chúng ta tưởng.

4 tháng, bắt giữ hơn 128 tấn gà nhập lậu

Theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm 2013 đến nay, lực lượng chức năng đã xử lý, thu giữ 32.006 kg gà lông, 96.274 kg gà thịt, 446.993 quả trứng gà Trung Quốc, 96.799 kg phụ phẩm gia cầm nhập lậu…
 
Ngày 17.5, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức giao ban trực tuyến sau 4 tháng triển khai Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị.

Theo Bộ Công an, công an 18 tỉnh, thành phố trọng điểm tổng rà soát lập danh sách 123 đối tượng tham gia hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu: Lạng Sơn 37 đối tượng, Quảng Ninh 27 đối tượng, Lào Cai 16 đối tượng, Hà Nội 12 đối tượng. Sau quá trình tuyên truyền, vận động, giáo dục, đến nay đã có 84/123 đối tượng đã chấm dứt hoạt động, 39/123 đối tượng còn biểu hiện hoạt động nhưng chủ yếu hoạt động nhỏ lẻ, diễn ra không thường xuyên tại vùng giáp biên.

Theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm 2013 đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm xử lý, thu giữ 32.006 kg gà lông, 96.274 kg gà thịt, 446.993 quả trứng gà Trung Quốc, 96.799 kg phụ phẩm gia cầm nhập lậu (nội tạng, chân, cổ, cánh gà), 626.512 con gà giống, 4.990 con vịt, 6.913kg chim, xử phạt vi phạm hành chính 625,25 triệu dồng.

Từ đầu năm 2013 đến nay, lực lượng chức năng đã xử lý, thu giữ 32.006 kg gà lông, 96.274 kg gà thịt.
Một số vụ điểm hình đã được các lực lượng chức năng các địa phương phát hiện bắt giữ như: Ngày 4 và 5.4, Hải quan trạm kiểm soát liên ngàn Km15 (Cục Hải quan Quảng Ninh) đã phát hiện, bắt giữ 5 vụ vận chuyển trái phép, thu giữ 313kg gà thịt thải loại, 385kg mèo thịt, trị giá gần 32 triệu đồng; ngày 9.3, Chi cục Hải quan Móng Cái (Quảng Ninh) đã phối hợp với Trạm Kiểm soát Biên phòng Ka Long, bắt giữ 40.000 con gà giống, trị giá hơn 200 triệu đồng…

Tại cuộc giao ban, nhiều địa phương đề cho rằng, hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm đối với hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép còn nhiều bất cập như: Chế tài xử phạt chưa đủ răn đe (chủ yếu phạt dưới mức 5 triệu đồng), biện pháp xử lý tang vật vi phạm còn chưa thống nhất, tạo kẽ hở cho các đối tượng tiếp tục đưa gia cầm vào tiêu thụ trên thị trường, lực lượng kiểm tra, kiểm soát còn mỏng, kinh phí tiêu huỷ hạn chế.

Bà Nguyễn Thị Như Mai, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường (TP. Hà Nội) cho biết, TP. Hà Nội lần đầu tiên đã ra quyết định tịch thu xe ô tô mang BKS giả: 98C – 020. 77 vì hành vi mang biển kiểm soát giả 29X-1702 tham gia vận chuyển gà Trung Quốc đem về tiêu thụ ở Hà Nội. Bà Mai cũng bày tỏ lo lắng nhất là khâu cấp giấy kiểm dịch. Theo đó, niêm phong xe chở gia cầm không thống nhất, giấy kiểm dịch có dấu hiệu quay vòng; cấp kiểm dịch làm tắt, làm tuỳ tiện khá phổ biến.

Cũng tại buổi giao ban trực tuyến, Bộ Công thương đã đưa ra khá nhiều kiến nghị Chính phủ về việc sửa đổi, ban hành các Nghị định, điều khoản cho phù hợp với tình hình thực tế việc xử lý vi phạm như: Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 47/2005/QĐ-BNN, ngày 25.5.2005 về quy định số lượng động vật, khối lượng sản phẩm động vật phải kiểm dịch khi vận chuyển ra khỏi địa bàn và miễn kiểm dịch. Trong đó, đáng chú ý là kiến nghị bổ sung thêm quy định: “Thời điểm cơ quan kiểm tra yêu cầu mà chủ hàng không chứng mình được nguồn gốc, xuất xứ của động vật, sản phẩm đọng vật thì số động vật, sản phẩm động vật đó bị coi là hàng… nhập lậu”, tại Điều 12, Nghị định số 40/2009/NĐ – CP ngày 24.4.2009.

Phát biểu tại buổi giao ban, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các cấp chính quyền từ TW đến địa phương trong công tác ngăn chặn gia cầm nhập lậu, tạo ra chuyển biến cơ bản trong công tác kiểm soát đối với gia cầm nhập lậu, giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm; khôi phục lại đàn gia cầm trong nước, xây dựng thương hiệu gà Yên Thế…

Phó Thủ tướng đã cho ý kiến đối với một số kiến nghị liên quan đến kinh phí hoạt động, trang thiết bị bảo hộ của một số lực lượng tham gia ngăn chặn, bắt giữ gia cầm nhập lậu.

Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an lên kế hoạch rà soát, kiểm tra và lên kế hoạch đấu tranh đối với những đầu nậu chuyên kinh doanh buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu. Đồng thời kiểm soát, xử lý phương tiện tham gia vận chuyển gia cầm lậu, trong đó cần thống nhất áp dụng biện pháp thu giữ phương tiện tham gia vận chuyển gà nhập lậu tới 60 ngày, khi hội đủ điều kiện pháp lý có thể tịch thu phương tiện để đảm bảo tính răn đe.