News & Updates

Chật vật xuất khẩu nông - thủy sản

Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu thống kê mới nhất về tình hình xuất nhập khẩu cả nước trong 4 tháng đầu năm. Theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 4 tháng đạt 79 tỉ USD, riêng xuất khẩu đạt 39,14 tỉ USD, tăng 16%; nhập khẩu 39,86 tỉ USD, tăng 17%. Cán cân thương mại cả nước đã chuyển từ thặng dư trong mấy tháng đầu năm sang thâm hụt với mức nhập siêu 723 triệu USD. 

Dù kim ngạch xuất khẩu cả nước vẫn tăng khá nhưng nhóm hàng nông - thủy sản đang có sự sụt giảm cả về giá, lượng. Cụ thể, hàng thủy sản hết tháng 4 đạt 1,73 tỉ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước; tại các thị trường chủ lực như Liên hiệp châu Âu, Nhật Bản, kim ngạch đều giảm mạnh. Lượng xuất khẩu cà phê 4 tháng là 588.000 tấn, trị giá 1,26 tỉ USD, giảm 16,3% về lượng và giảm 13,9% về giá trị so với cùng kỳ. Đây là mặt hàng nông sản giảm mạnh nhất trong tháng 4-2013 với mức giảm 203 triệu USD. Đối với gạo, dù lượng xuất khẩu cả nước tăng nhẹ nhưng do giá giảm mạnh trong tháng 4 nên kim ngạch giảm 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái… 

Đưa gạo xuống tàu xuất cảng ở Cần Thơ
Đưa gạo xuống tàu xuất cảng ở Cần Thơ
Theo bà Phan Thị Diệu Hà, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, do giá cả hàng hóa thế giới đang trong xu hướng giảm khiến nhóm hàng nông - thủy sản giảm khoảng 129 triệu USD. Từ nhiều năm qua, các mặt hàng nông sản chủ lực của nước ta luôn tăng về xuất khẩu nhưng giá lại theo chiều hướng ngược lại, trong khi mọi chi phí đầu vào đều tăng gây khó khăn cho người sản xuất, nông dân. 

PGS-TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, cho rằng nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do khâu sản xuất thiếu sự liên kết. Với một mặt hàng, mỗi nơi làm một kiểu làm cho thành phẩm không theo chuẩn thống nhất, chất lượng không đồng đều nên khó xây dựng thương hiệu. Trong khi đó, các cơ quan quản lý, hiệp hội chỉ mới “khuyến cáo, khuyến khích”, còn làm thế nào thì... tùy nông dân!

Thời gian tới, xuất khẩu sẽ còn nhiều thách thức khi giá một số mặt hàng chủ lực là gạo, thủy sản giảm mạnh. Ngoài những rào cản thương mại và yêu cầu chất lượng ngày càng khắt khe hơn từ các nước nhập khẩu, việc thiếu ổn định nguồn nguyên liệu cũng như chất lượng sản phẩm... sẽ khiến nông - thủy sản Việt Nam khó thoát được cảnh chật vật.

Nhiều nạn nhân bị lừa xuất khẩu lao động sang Bồ Đào Nha

Tính đến ngày 17/5, Hòa đã thu tổng số tiền của các bị hại lên tới 70 nghìn USD và 150 triệu đồng, điển hình là thu của anh Hoàng Nghĩa Hùng ở Nghệ An 32 nghìn USD.


Ngày 17/5, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Tĩnh cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Hòa (52 tuổi, ở Phả Lại, thị xã Chí Linh, Hải Dương), nguyên là Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Nhân lực quốc tế Việt tại Ninh Bình, có văn phòng đại diện tại số nhà 231 đường Trần Phú, TP Hà Tĩnh, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản (bằng hình thức nhận đưa người đi xuất khẩu lao động tại Bồ Đào Nha).

Theo tài liệu của cơ quan Công an, tháng 6/2011, Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Nhân lực quốc tế Việt ở Ninh Bình, mở văn phòng đại diện tại số nhà 231 đường Trần Phú, TP Hà Tĩnh, có chức năng tổ chức người lao động đi xuất khẩu lao động.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian hoạt động, ngày 9/3/2012, Công ty cổ phần Nhân lực quốc tế Việt đã có văn bản yêu cầu chi nhánh tại Ninh Bình ngừng hoạt động và bàn giao con dấu và các tài liệu, tài sản liên quan cho công ty.

Trong thời gian bị ngừng hoạt động, từ tháng 2 đến tháng 4/2012, lợi dụng có phiếu thu có sẵn dấu của công ty đã đóng trước đó, thông qua bà Phan Thị Diễm Hằng, ông Hòa đã nhận tiền và hồ sơ của 6 công dân ở xã Kỳ Giang và Kỳ Tiến (Kỳ Anh) để đi xuất khẩu lao động sang Bồ Đào Nha và một số nước khác.

Tính đến ngày 17/5, Hòa đã thu tổng số tiền của các bị hại lên tới 70 nghìn USD và 150 triệu đồng, điển hình là thu của anh Hoàng Nghĩa Hùng ở Nghệ An 32 nghìn USD. 

Hiện nay, Công an TP Hà Tĩnh đang mở rộng điều tra vụ án. Những ai là nạn nhân của đối tượng Nguyễn Văn Hòa cần sớm đến Công an TP Hà Tĩnh cung cấp thông tin, để xử lý đối tượng nghiêm minh trước pháp luật.

Thanh Hóa: Nhiều hộ thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động

Sau hơn 3 năm triển khai Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, tại tỉnh Thanh Hóa, nhiều gia đình có con em đi xuất khẩu lao động đã thực sự thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ biết đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. 
 
Triển khai Quyết định 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có trên 1.600 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài,  tập trung chủ yếu ở thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia, Lào, Trung Đông..

Bên cạnh đó, có 6.350 người đăng ký sơ tuyển, trên 3.900 người tham gia học nghề và bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi xuất khẩu lao động. 

Địa phương tạo điều kiện cho người đi xuất khẩu lao động được vay vốn kịp thời, với thủ tục nhanh chóng, đơn giản; tổ chức tư vấn cho người lao động nắm thông tin thị trường lao động, mở lớp học nghề ngắn hạn; mở lớp dạy tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc ngay tại địa phương, giúp người giảm bớt chi phí ăn ở, đi lại...

Tổng kinh phí thực hiện Đề án này từ ngân sách Trung ương là 1,1 tỷ đồng. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Theo đánh giá của ngành Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Thanh Hóa, đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động đã mang lại hiệu quả thiết thực. 

Xuất khẩu lao động tại các thị trường có uy tín còn mang lại một số lợi ích, như: sau khi hết thời hạn hợp đồng lao động, người lao động trở về nước với trình độ ngoại ngữ được nâng cao, chuyên môn tay nghề cũng như văn hóa cũng có những thay đổi tích cực, nên khi trở về làm việc trong nước, năng suất và hiệu quả lao động được nâng cao. Đặc biệt, số lao động sau khi từ các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản trở về đã học được tính kỷ luật trong lao động và tay nghề cao nên dễ dàng tìm được việc làm tại các công ty liên doanh vì họ rất ưa chuộng những lao động này. Ngoài ra, xuất khẩu lao động góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Nhiều gia đình có con em đi xuất khẩu lao động đã thực sự thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ biết sử dụng số tiền tích cóp được đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm mới, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, đặc biệt ở 7 huyện nghèo: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Bá Thước, Như Xuân, Thường Xuân.

Xuất khẩu của Singapore giảm nhẹ trong tháng Tư

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa phi dầu mỏ của Singapore trong tháng Tư vừa qua đã giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh ngành hàng điện tử xuất khẩu tiếp tục sụt giảm.

Mặc dù vậy, theo thống kê được Cục Phát triển Doanh nghiệp quốc tế (IES) thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore công bố hôm cuối tuần, mức giảm sút này nhẹ hơn so với mức giảm 4,8% hồi tháng Ba vừa qua.

Tuy nhiên, nếu tính theo từng tháng thì tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Singapore đang chậm dần. Giá trị xuất khẩu hàng hóa chỉ tăng 1,1% so với tháng Ba, và thấp hơn nhiều so với mức tăng 8% của tháng Ba so với tháng Hai.

Theo IES, kim ngạch xuất khẩu của Singapore sang châu Âu, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản và Indonesia trong tháng Tư đều thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, lượng hàng hóa xuất sang Hong Kong (Trung Quốc), Thái Lan, Mỹ, vùng lãnh thổ Đài Loan và Trung Quốc đại lục lại tăng lên.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu trong tháng Tư của Singapore tiếp tục sụt giảm, song theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, kim ngạch xuất khẩu của "quốc đảo Sư tử" là rất khó dự đoán bởi các ngành dược phẩm và dầu mỏ chiếm một một tỷ trọng đáng kể trong xuất khẩu lại có thể thay đổi đột ngột giá trị theo từng tháng./.

Xuất khẩu điều hợp tác với tập đoàn bán lẻ Mỹ

Hơn 10 doanh nghiệp xuất khẩu điều Việt Nam đã thỏa thuận hợp tác, cung cấp sản phẩm chế biến từ hạt điều để phân phối tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích của Tập đoàn bán lẻ Kroger ở Mỹ.

Thông tin này do ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, cung cấp sau buổi làm việc với đại diện của Kroger ngày 14-5.

Theo ông Thanh, Kroger là tập đoàn bán lẻ lớn thứ hai tại Mỹ với doanh số bán hàng hằng năm ước gần 100 tỉ USD. Tập đoàn này đang sở hữu 2.400 siêu thị, 800 cửa hàng bán lẻ tiện lợi đặt tại 31 bang trên khắp nước Mỹ.

Về phía Kroger, Giám đốc thu mua Miguel Marcano cho biết ngoài việc thu mua hàng thành phẩm để phân phối, Kroger còn xúc tiến thu mua nguyên liệu để chế biến thực phẩm. Dự kiến sản lượng nguyên liệu thu mua sẽ còn tăng thêm vào những năm tới vì tập đoàn đang phát triển gần 40 nhà máy đặt tại các thành phố lớn của Mỹ.

Ngành mía đường lại thua đau

Bộ Công Thương mới cho phép các doanh nghiệp mía đường xuất khẩu sản phẩm tiểu ngạch sang Trung Quốc thì đường Thái Lan đã đổ bộ vào Việt Nam theo dạng tạm nhập tái xuất rồi sang Trung Quốc qua các cửa khẩu tiểu ngạch. Điều này cũng đồng nghĩa, đường Việt Nam mất thị trường nội địa, vừa mất luôn thị trường xuất khẩu gần như duy nhất.

TS.Hà Hữu Phái, Trưởng Văn phòng Hiệp hội Mía đường Việt Nam tại Hà Nội cho biết, tính từ đầu niên vụ đến 13/5/2013, toàn ngành mía đường đã ép được 15.500.000 tấn mía, cho sản lượng 1.442.800 tấn đường. Trong số 41 nhà máy đường hầu hết đã kết thúc vụ sản xuất, chỉ còn 6 nhà máy sẽ tiếp tục hoạt động đến hết tháng 5. Dự tính cả niên vụ sẽ sản xuất được khoảng 1,5 triệu tấn đường.

Tồn kho đường đã lên cao nhất từ trước tới nay, lượng đường tồn kho tại các nhà máy tính đến 3/5/2013 còn 579.818 tấn. Chưa kể lượng đường tồn kho tại các công ty thương mại trong hệ thống Hiệp hội Mía đường khoảng 28.000 tấn và các hệ thống phân phối. Ước tính, tổng lượng đường tồn kho thời điểm này lên đến 600.000 tấn.

Đường tồn kho tại các nhà máy tính đến 3/5/2013 còn 579.818 tấn
Đường tồn kho tại các nhà máy tính đến 3/5/2013 còn 579.818 tấn
Do tiêu thụ khó khăn, giá bán đường của các nhà máy thấp hơn rất nhiều so với năm 2012. Năm ngoái, giá đường bán tại kho các nhà máy có lúc lên tới 19.000 đồng/kg, cùng thời điểm này là 16.500-17.000 đồng/kg.

Thế nhưng tháng 3/2013, giá đường bán buôn tại kho các nhà máy xuống chỉ còn 13.000 - 13.500 đồng/kg. Từ đầu tháng 5 đến nay, giá đường đã nhích lên nhưng vẫn rất thấp, hiện đường kính trắng ở mức 14.500 - 14.900 đồng/kg, đường tinh luyện 15.500-16.000 đồng/kg. Trên thị trường thế giới, giá đường đã giảm 18% trong vòng một năm qua và đang tiếp tục chịu áp lực giảm giá do cung vượt cầu.

Có một nghịch lý, trong khi đường bán tại các nhà máy giảm giá mạnh thì đường bán lẻ vẫn không giảm. Tại các siêu thị ở Hà Nội, giá đường tinh luyện những ngày qua vẫn ở mức cao 21.000 - 22.000 đồng/kg, đường tinh luyện Biên Hòa là 22.500 đồng/kg. Tại các chợ và cửa hàng bán lẻ, giá đường tinh luyện từ 22-24.000 đồng/kg.

Rõ ràng, giá bán ở nhà máy đến tay người tiêu dùng chênh lệch tới 4-7.000 đồng/kg. Theo phản ánh, hệ thống siêu thị Hà Nội gần như không tiếp cận được nhà máy mà chỉ mua qua các đại lý cấp 1, cấp 2.

Do vậy, mỗi cấp đại lý lại đội giá lên khiến giá đường bán cho người tiêu dùng ở mức cao. Để hạn chế và khắc phục tình trung gian đội giá trong chuỗi tiêu thụ đường, Hiệp hội Mía đường sẽ cùng với Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xúc tiến xây dựng Nghị định về quản lý mía đường trong năm 2013.

Ông Phái nhận định, lượng tồn kho hiện nay đã tới đỉnh, trong những tháng tới sẽ giảm dần do hết vụ sản xuất. Tuy nhiên từ nay đến hết tháng 8/2013, khó có thể tiêu thụ hết lượng đường tồn kho trước khi vào niên vụ sản xuất mới bởi trung bình mỗi tháng, cả nước chỉ tiêu thụ khoảng trên 100.000 tấn.

Lối thoát duy nhất để giải quyết bài toán tiêu thụ cho ngành đường là phải chặn triệt để dòng đường nhập lậu ở biên giới Tây Nam đồng thời thúc đẩy xuất khẩu qua các cửa khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Năm ngoái, khi Nhà nước chưa cho phép xuất khẩu đường tiểu ngạch, vẫn có một số công ty tìm cách xuất “chui” nhưng phải “làm luật” tới 320 đồng/kg và bị phía Trung Quốc ép giá mua xuống thấp khiến doanh nghiệp Việt Nam thua thiệt rất nhiều. Hiệp hội Mía đường đã phải kiến nghị, xin cho xuất khẩu đường tiểu ngạch qua các cửa khẩu phụ, lối mòn.

Mãi đến 8/3/2013, Bộ Công Thương mới cho xuất khẩu đường kính trắng qua cửa khẩu phụ Bản Vược, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Đường xuất tiểu ngạch chỉ được thực hiện từ tháng 3 đến 20/6/2013 với khối lượng 200.000 tấn. Mặc dù muộn nhưng điều này vẫn có tác dụng tốt cho thị trường tiêu thụ đường đến thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, đến nay các nhà máy đường mới xuất khẩu được chừng 25.000 tấn mà chỉ còn 1,5 tháng nữa là hết thời hạn thì con số xuất khẩu 200.000 tấn là quá xa vời. Trong khi đó, đường Thái Lan đã đổ bộ vào Việt Nam theo dạng tạm nhập tái xuất, vận chuyển bằng tàu thủy đến cảng Hải Phòng rồi đưa bằng đường bộ lên Lào Cai sang Trung Quốc qua cửa khẩu phụ Bản Vược.

TS. Hà Hữu Phái than thở, “Mỗi năm đường Thái Lan nhập lậu qua biên giới lên tới 400-500 ngàn tấn và làm sản phẩm đường Việt Nam mất đáng kể thị trường trong nước. Hiệp hội đã phải xin xuất khẩu qua chính sách đối với cư dân biên giới. Nào ngờ đường Thái Lan tiếp tục lấn tới, áp dụng kế sách “mượn đường diệt Quắc” nổi danh trong lịch sử Trung Quốc, mượn đường Việt Nam để đưa hàng vào Trung Quốc, khiến chúng ta thua đau”.

Trong công văn của Hiệp hội Mía đường Việt Nam gửi Chính phủ cuối tháng 4/2013 nêu rõ: “Nếu cho tạm nhập tái xuất mặt hàng đường sang Trung Quốc theo tuyến biên giới, chắc chắn đường của Thái Lan sẽ thay đường sản xuất trong nước để sang Trung Quốc, đồng nghĩa với việc Việt Nam vừa mất thị trường nội địa, vừa mất luôn thị trường xuất khẩu gần như duy nhất của nước ta. Do vậy, Hiệp hội Mía đường kiến nghị Chính phủ không cho phép tạm nhập tái xuất đường, đặc biệt là tạm nhập tái xuất qua cửa khẩu phụ Bản Vược và các địa phương có biên giới giáp với Trung Quốc”.

Ngày 10/5/2013, Văn phòng Chính phủ có Công văn 3702 yêu cầu Ban chỉ đạo 127 trung ương phải khẩn trương báo cáo tình hình buôn lậu đường và hoạt động tạm nhập tái xuất đường thời gian qua (làm rõ số lượng, giá trị và tình hình thanh khoản các lô hàng).

Đồng thời, các Bộ Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia ý kiến đối với kiến nghị của Hiệp hội Mía đường về việc không cho phép tạm nhập tái xuất mặt hàng đường, báo cáo để Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Cơ hội xuất khẩu hàng dệt may sang Brazil

Billie Brothers là công ty hàng đầu về thời trang tại Brazil. Công ty có một chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn tại phía Nam Brazil chuyên phân phối các sản phẩm dệt may của Brazil, các nước Nam Mỹ, Trung Quốc...Hiện công ty muốn tìm kiếm đối tác Việt Nam để nhập khẩu các sản phẩm dệt may với số lượng lớn và đơn hàng ổn định (tối thiểu 5000 sản phẩm mỗi mẫu).

Một số hình ảnh sản phẩm mẫu của công ty mời tham khảo tại đây.
Đại diện công ty dự kiến sẽ sang Việt Nam vào tháng 6 tới để gặp gỡ và làm việc trực tiếp với một số doanh nghiệp dệt may Việt Nam. 
Các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, mời gửi thông tin theo mẫu sau (Mau_thong_tin_doanh_nghiep.xls ) vào địa chỉ: vietradeportal@gmail.com hoặc hienpc@vietrade.gov.vn trước ngày 24/05/2013.

Thông tin chi tiết xin liên hệ:
Cục Xúc tiến Thương mại
Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu- Phòng TT&TVDN
ĐT: 04-39364792 ( số lẻ :117- anh Hiển ) , Di động: 0169.608.4195.
Email: Vietradepotal@gmail.com